7 Mẹo cần thiết để sinh viên sẵn sàng phát triển sự nghiệp
Việc quyết định làm công việc gì hay phải chuẩn bị cho cuộc sống sau khi tốt nghiệp có thể rất căng thẳng và mất nhiều thời gian. Nhưng thật ra không cần thiết phải như vậy nếu bạn làm theo bảy mẹo sau, bạn sẽ được chuẩn bị kỹ càng cho bước tiếp theo trong cuộc sống.
- Tích cực xây dựng mạng lưới quan hệ
Nếu muốn thăng tiến trong nghề nghiệp, bạn cần phải xây dựng mạng lưới quan hệ càng sớm càng tốt – và việc này nghĩa là phải bắt đầu từ khi còn trong trường đại học. Luôn luôn cố gắng gặp gỡ càng nhiều người càng tốt, và đừng do dự tham dự những buổi họp mặt. Những sự kiện trong trường đại học chính là những cơ hội tuyệt vời để giao lưu với những thành viên chủ chốt. Khi tham dự những buổi hội họp, đừng đợi người khác tới bắt chuyện, hãy luôn chuẩn bị để chủ động và hãy là người bắt chuyện trước.
- Học cách lập ngân sách
Khi còn ở trong trường đại học, quản lý tiền bạc có thể không phải là ưu tiên hàng đầu của bạn. Tuy nhiên, đây lại là khoảng thời gian tuyệt vời để xây dựng những quyết định về lối sống bền vững như thiết lập ngân sách. Dù tất cả chúng ta đều hiểu tầm quan trọng của việc chi tiêu phù hợp với khả năng của mình, nhưng chúng ta thường dễ bỏ qua việc dành thời gian để xây dựng và quản lý ngân sách.
Thông thường, đối với sinh viên, việc xây dựng ngân sách không phải là vấn đề. Tuy nhiên, việc tuân thủ ngân sách ấy thì luôn là một vấn đề. Việc lập ngân sách phải dựa trên cơ sở là không bao giờ được tiêu quá số tiền mình kiếm được, nếu không sẽ có nguy cơ chìm trong nợ nần khó có khả năng chi trả. Để bắt đầu lập ngân sách, trước hết hãy xác định số tiền mình có và những chi phí bắt buộc phải chi trả của trường. Những chi phí này hầu như không thay đổi trong suốt năm học.
- Tinh chỉnh và xây dựng hình ảnh trên mạng xã hội
Điều quan trọng là đảm bảo hồ sơ trang cá nhân trên mạng xã hội miêu tả bạn một cách có lợi. Nhà tuyển dụng tiềm năng có thể sẽ tìm hồ sơ trang cá nhân của bạn và nếu thấy thông tin về bạn trên mạng xã hội khiến họ không thích hoặc khó chịu, thì có thể bạn sẽ vuột mất một cơ hội tuyển dụng.
Việc dùng mạng xã hội để xây dựng mạng lưới quan hệ cũng là một cách hay. Bạn có thể dùng nhiều trang mạng xã hội khác nhau để tiếp cận với những người có tiếng tăm. Vì vậy, hãy bắt đầu trao đổi trên những nền tảng mạng xã hội ví dụ như Facebook, Twitter, LinkedIn, hay Instagram. Hãy liên lạc với các nhà tuyển dụng, các chuyên gia trong ngành, các công ty nhân sự, những cá nhân truyền cảm hứng, đam mê, và v.v. Hãy kết nối vì những mối quan hệ này có thể hữu ích cho bạn trong tương lai.
- Rèn luyện kỹ năng phỏng vấn
Một trong những kỹ năng chính cần phải chuẩn bị sau khi rời ghế đại học chính là nắm vững kỹ năng phỏng vấn. Cách tốt nhất là luyện thật kỹ các câu trả lời trước khi phỏng vấn để bạn có thể sẵn sàng phỏng vấn bất cứ lúc nào. Nếu có thể bắt đầu luyện tập việc này từ sớm khi còn ở trong trường đại học, việc này sẽ giúp bạn giảm bớt áp lực sau này. Hãy nhớ rằng việc trò chuyện với công ty và nhà tuyển dụng là một nghệ thuật và cần có thời gian để thành thạo kỹ năng này. Tốt hơn hết là không nên chỉ bắt đầu luyện tập vào đêm trước buổi phỏng vấn. Hãy bắt đầu ngay bây giờ!
- Tìm công việc thực tập và cố vấn
Tất cả những sinh viên đã tìm công việc thực tập đều sẽ đồng ý rằng việc tìm được một công việc thực tập phù hợp là đầy thử thách. Tuy nhiên, họ cũng sẽ cho bạn biết đấy là một việc cực kỳ đáng. Không cần phải bàn cãi về những lợi ích mà thực tập mang lại cho bạn, bao gồm kinh nghiệm cần thiết để giúp bạn phát triển nền tảng chuyên môn vững chắc khi bắt đầu con đường sự nghiệp của mình. Thực tập cũng giúp mang lại những triển vọng nghề nghiệp tiềm năng cũng như mức lương cao hơn sau khi tốt nghiệp.
Ngoài ra, một cố vấn có thể hỗ trợ bạn trong việc tìm hiểu những môi trường nghề nghiệp bằng những quan điểm của họ để giúp bạn phát triển sự nghiệp trong giai đoạn đầu. Người cố vấn có thể là một giáo sư có quan hệ trong ngành, một cựu quản lý, hoặc thậm chí là một thành viên trong gia đình. Quyết định chọn lựa cố vấn của bạn có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi lĩnh vực quan tâm hoặc ngành nghề dự định của bạn.
- Suy nghĩ về việc trả nợ khoản vay sinh viên
Hãy cân nhắc đến kế hoạch trả nợ nếu bạn đã sử dụng các khoản vay sinh viên để chi trả cho việc học. Có nhiều hình thức trả nợ cho khoản vay sinh viên do liên bang trợ cấp bao gồm hình thức trả nợ thông thường, trả nợ sau khi tốt nghiệp và trả nợ dựa trên mức thu nhập. Trong trường hợp vay từ các ngân hàng tư nhân, rất có thể sẽ có các hình thức trả nợ khác nữa.
Ngoài ra, nếu dự định làm việc ở những thành phố lớn như Los Angeles hay New York sau khi tốt nghiệp, bạn cần phải rất khôn khéo trong việc chi tiêu và tìm khu vực để thuê nhà với giá tốt nhất. Ví dụ, nếu bạn nhắm các khu vực giá cả phải chăng để thuê ở NYC thì bạn sẽ có thể phải dành một phần chi phí đáng kể và sử dụng phần tiền dư để trả nợ.
- Theo đuổi đam mê và hiểu giá trị của bản thân
Con đường sự nghiệp đầy những khúc quanh, cũng như những điểm dừng và khởi đầu bất ngờ. Hãy nhìn con đường sự nghiệp của mình là một quãng thời gian kéo dài ba hay bốn thập kỷ, chứ không chỉ là một công việc mà thôi. Thế nên, hãy luôn nhớ ươm mầm, nuôi dưỡng và theo đuổi đam mê của mình vì đam mê sẽ mang đến cho bạn sự thỏa mãn và cơ hội thành công tốt nhất. Trường học là nơi khai phá điểm mạnh và giá trị của bạn – hãy khám phá và tìm ra những điều đó. Hãy nhớ rằng không có một ai khác giống như bạn – đây mới chính là điểm mạnh lớn nhất của bạn.
Tác giả – Melissa Fisher